Bởi vì, đối với người lao động, thu nhập ổn định để gắn bó với một vùng đất là cả đời, không phải ngày một ngày hai nên vài trăm triệu đồng cũng không giải quyết được.
Quan sát thực tế cho thấy, các địa phương thiếu giáo viên đều ở vùng xa, miền núi. Hoặc trong một tỉnh, thành phố, thì các trường thuộc vùng ven, vùng khó khăn của địa phương đó khó tuyển dụng giáo viên. Còn ở địa bàn trung tâm, đô thị lớn, nơi có đời sống cao, kinh tế – xã hội phát triển, tìm được một chỗ đi dạy không dễ dàng. Vì thế mới có chuyện giáo viên thiếu, nhưng sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp dài dài.
Các nhà quản lý giáo dục nêu ý kiến cần dự báo chính xác về nhu cầu nguồn nhân lực ngành giáo dục để đào tạo, cung cấp đầy đủ. Việc này là đương nhiên phải làm, nhưng nếu đào tạo đủ giáo viên, mà không có cơ chế tuyển dụng, sử dụng phù hợp, thì vẫn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, thừa sinh viên sư phạm.
Tuyển dụng phù hợp là có chính sách cho giáo viên nhận nhiệm vụ ở các địa bàn khó khăn, phụ cấp cao, tạo điều kiện về chỗ ở. Nếu có sự đãi ngộ tốt, chắc chắn nhiều người sẵn sàng đến các trường vùng sâu, vùng xa gõ đầu trẻ. Đó là sự công bằng trong tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực và từ sự công bằng đó, sẽ tạo ra sự cân bằng đội ngũ giáo viên, lấp dần các “vùng trũng” giáo viên.
Có chính sách hỗ trợ giáo viên đến các địa bàn khó khăn không chỉ hạn chế tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, mà còn thu hút được giáo viên giỏi đến vùng xa, miền núi. Có một số tỉnh chất lượng giáo dục thấp, thể hiện qua các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm, điển hình như Hà Giang 5 năm liên tiếp đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng điểm thi tốt nghiệp THPT, kế đến là Đắk Lắk, Cao Bằng. Tất nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến các địa phương này “đội sổ”, nhưng một nguyên nhân quan trọng là thiếu giáo viên, về số lượng cũng như chất lượng.
Muốn không có “vùng trũng” giáo dục, trước hết phải “lấp đầy” giáo viên. Muốn có đủ giáo viên ở vùng trũng, ngoài đào tạo và cung cấp đủ nguồn nhân lực, còn có chính sách đãi ngộ phù hợp.