Vì sao hàng nghìn trường học Hàn Quốc bị bỏ hoang?

Mỗi chiều, bà Ryu Myung-jin, 73 tuổi, chống gậy đi tập thể dục ở sân trường tiểu học Hwayang, nơi bị đóng cửa năm ngoái vì thiếu học sinh.

Ngôi trường ở Gwangjin-gu, Seoul từng rộn tiếng cười đùa của trẻ em, nay chỉ còn tiếng gió lay động tán cây trong khi những người cao tuổi chống gậy đi bộ trên khu đất trống. Gần cổng trường, sân chơi từng có xích đu, bập bênh và cầu trượt giờ trở thành bãi đỗ xe của cư dân trong khu phố.

“Ở đây nhiều cây cối, là một nơi đi bộ lý tưởng”, Ryu Myung-jin nói. Bà thường ngồi hàng giờ trên chiếc ghế dài và cầu thang rộng.

Gần lối vào, phòng bảo vệ bỏ trống đặt một tấm biển gỉ sét dành cho khách từ thời trường còn hoạt động.





Bà Ryu Myung-jin tập thể dục ở trường Tiểu học Hwayang, Hàn Quốc. Ảnh: Korea Herald

Bà Ryu Myung-jin tập thể dục ở trường Tiểu học Hwayang, Hàn Quốc. Ảnh: Korea Herald

Ngày càng nhiều ngôi trường bị bỏ hoang ở Hàn Quốc phản ánh cuộc khủng hoảng dân số của nước này.

Từ năm 2015, Seoul đã có 9 trường đóng cửa do thiếu học sinh. Trường Tiểu học Hwayang mở cửa năm 1983 với 18 lớp, ghi nhận số học sinh giảm từ 420 vào năm 2008 xuống 183 năm 2013 và chỉ còn 151 em vào năm 2018. Đến năm 2023, trường chỉ còn 84 học sinh, trong đó lớp một chỉ có 7 em, theo Văn phòng quận Gwangjin-gu.

8 trường khác khi đóng cửa cũng đều có dưới 100 học sinh. Trường Trung học Gongjin ở Gangseo-gu chỉ còn 47 học sinh vào thời điểm ngừng hoạt động năm 2020.

Theo các quan chức và chuyên gia, đây là dấu hiệu khởi đầu của một xu hướng nghiêm trọng hơn. Với hơn 10 triệu dân, Seoul là siêu đô thị dẫn đầu trong cuộc khủng hoảng tỷ lệ sinh thấp tại Hàn Quốc. Năm ngoái, tổng tỷ suất sinh toàn quốc chỉ đạt 0,75, chưa bằng một nửa mức trung bình 1,51 của các nước OECD.

Dự báo cho thấy số trường học đóng cửa ở Seoul sẽ gia tăng trong những năm tới khi số trẻ em trong độ tuổi đến trường tiếp tục giảm.

Tháng 3 năm nay, đầu năm học mới, một trường tiểu học tại Gangseo-gu chỉ nhận 10 học sinh lớp một, giảm ba so với năm trước. Tổng số học sinh toàn trường hiện còn 71, giảm từ 83 của năm ngoái.

Báo cáo ngày 24/3 của Văn phòng Giáo dục thủ đô Seoul dự đoán đến năm 2029, số trường có dưới 100 học sinh và không quá năm lớp sẽ tăng lên 127, cao gấp 1,6 lần so với 80 trường hiện nay.

Tình trạng trường học trống rỗng không chỉ diễn ra ở Seoul mà còn rõ rệt hơn ở các khu vực khác.

Năm ngoái, cả nước có 3.955 trường đóng cửa, tăng 33 so với năm trước. Ở nhiều vùng, một số trường bị bỏ hoang suốt hàng chục năm qua.





Hành lang và những ô cửa sổ vỡ ở trung học nữ sinh Chungil, tỉnh Yuseong-gu, Hàn Quốc. Ảnh: Korea Herald

Hành lang và những ô cửa sổ vỡ ở trung học nữ sinh Chungil, tỉnh Yuseong-gu, Hàn Quốc. Ảnh: Korea Herald

Chúng đặt ra bài toán lớn hơn về tái cấu trúc đô thị Hàn Quốc.

Trường Trung học Nữ Chungil ở Yuseong-gu, tỉnh Daejeon đã đóng cửa gần hai thập kỷ trước. Khu đất của trường được tập đoàn Booyoung mua để xây chung cư nhưng cũng đã tạm dừng do cách nhà tù Daejeon khoảng 200 m, khiến người mua e ngại.

Cửa sổ vỡ, tường phủ dây leo và mái ngói sụp đổ, các lớp học cũ nay trở thành địa điểm quay phim phổ biến cho các YouTuber chủ đề kinh dị. Mặc dù bị bỏ hoang nhiều năm, chính quyền thành phố Daejeon và các cơ quan liên quan không thể can thiệp vì khu đất thuộc sở hữu tư nhân.

Một số người lo ngại rằng khu trường học bỏ hoang lâu dài có thể thúc đẩy suy thoái đô thị trong khu vực. “Nơi đó thường trở thành chốn tụ tập của thanh thiếu niên, người vô gia cư và tội phạm”, đại diện Văn phòng tỉnh Yuseong-gu, nói.

Ở các khu vực nông thôn, các trường học nhỏ thường được tái sử dụng thành cơ sở văn hóa như bảo tàng hoặc quán cà phê nghệ thuật.

Ngọc Ngân (Theo Korea Herald)



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *