Hà NộiThu nhập mỗi tháng hơn 150 triệu đồng nhưng vợ chồng anh Hiếu và hai con vẫn chấp nhận sống trong phòng trọ 1,6 triệu đồng suốt bốn năm vì mục tiêu mua được nhà ở phố.
Đầu tháng 11, tình cờ mở lại album cũ, nhìn những bức ảnh thời còn cởi trần làm việc bằng chiếc bàn gấp ở nhà trọ không điều hòa giữa mùa hè, anh Bùi Quang Hiếu, 36 tuổi, nhớ lại hành trình đã trải qua trước khi trở thành ông chủ của bốn ngôi nhà giữa thủ đô như hiện tại.
Anh Hiếu là con trai duy nhất trong gia đình nghèo khó ở huyện ngoại thành Phú Xuyên, Hà Nội. Bố mẹ làm đủ mọi việc từ lao động chân tay, công nhân đến xe ôm, bán bún để có tiền nuôi con ăn học. Tài sản quý giá nhất của gia đình là chiếc xe máy cà tàng của bố.
Ngày bé, Hiếu thường dùng lại sách giáo khoa cũ của anh họ, quần áo vài năm mới được mua một lần. Cả tuổi thơ, món thèm nhất của anh là mỳ tôm. “Cái nghèo rèn cho tôi khả năng tiết kiệm và động lực để kiếm tiền”, chàng trai tốt nghiệp đại học ngành IT, nói.
Năm 2010, khi bắt đầu đi làm, anh lao vào cuộc đua tăng thu nhập. Hiếu thử sức ở các công ty công nghệ của Australia, Mỹ, Thụy Điển và FPT. Thu nhập lúc đó của chàng kỹ sư IT trẻ khoảng 12 triệu đồng mỗi tháng. Anh giữ lại 3 triệu cho mọi chi phí cá nhân, còn lại gửi về quê nhờ bố mẹ mua vàng, giữ giúp.
“Mục tiêu của tôi là mua được nhà, thứ đắt đỏ khủng khiếp ở Hà Nội”, anh nói.
Một lần nói chuyện với bạn, Hiếu thắc mắc “sao anh hơn em bốn tuổi mà đã mua được nhà”, người đồng nghiệp tiết lộ công việc viết app (ứng dụng di động) bán nên có thu nhập tốt.
Hiếu không biết gì về app nhưng tiếc tiền đi học nên mua sách về tự mày mò học. Sau ba tháng, anh bắt đầu kiếm được tiền từ công việc này và đưa thu nhập lên 40-70 triệu đồng mỗi tháng. Cộng với lương, anh có gần 100 triệu đồng.
Hiếu giữ lại 10 triệu đồng chi tiêu, còn lại tiếp tục gửi bố mẹ.
Thu nhập “khủng” nhưng chàng kỹ sư IT vẫn hài lòng với phòng trọ không điều hòa, chỉ có chiếc bàn gấp để lập trình hàng đêm. Anh ăn cơm nguội, bánh mỳ, mỳ tôm mỗi bữa sáng, dùng điện thoại 5 triệu đồng.
Năm 2015, Hiếu kết hôn với chị Trang, một công chức ở Hà Nội. Họ muốn dành tiền để mua nhà đất, tin đây là tài sản bền vững, sau này có thể dành cho con nên không chọn chung cư. “Chúng tôi đồng lòng chi tiêu tiết kiệm để mua nhà, không sợ khó, sợ khổ”, chị Trang nói.
Sau đám cưới, cặp vợ chồng trẻ dọn về nhà trọ cũ. Đêm tân hôn, họ ngủ trên chiếc giường ghép bằng những thanh gỗ. Nhìn cảnh sống kham khổ của vợ chồng anh Hiếu, hàng xóm dị nghị, mỉa mai. Chị Trang không quan tâm, nhưng anh thì “mãi không quên sự khinh thường đó”.
Hàng ngày, anh Hiếu bắt đầu công việc lúc 6h đến 1h sáng hôm sau, gần như không có cuối tuần, lễ Tết. Thu nhập của anh ít tháng nào dưới 150 triệu đồng.
Khi có con, họ dọn về nhà trọ hai tầng, rộng 16 m2 giá 1,6 triệu đồng, ở quận Hoàng Mai. Tầng một anh trang bị đủ tiện nghi cho vợ con. Tầng hai nhỏ hơn là nơi anh làm việc.
Những ngày nắng 40 độ, nhiệt độ trong phòng cao hơn ngoài trời. Mùa đông, gió rít qua khe cửa buốt ngón chân. Anh quấn hai chăn, co ro ngồi làm việc.
Vợ chồng Hiếu cắt hết những khoản chi tiêu không cần thiết, không mua sắm online, không mua nhiều đồ đạc khi ở trọ, không ăn ngoài. Chi phí sinh hoạt cố định hàng tháng xoay quanh tiền thuê nhà, điện, nước, ăn uống, Internet. Hai vợ chồng chỉ chú trọng ăn uống đủ chất và ăn hoa quả hàng ngày để bảo đảm sức khỏe.
”Dù kiếm được nhiều hơn, tôi vẫn giữ mức chi tiêu của cả gia đình chiếm khoảng 10% tổng thu nhập, nếu có việc đột xuất phải chi thêm cũng không quá 30%”, anh nói.
Từ chuyên môn IT, kỹ năng sư phạm và mạng lưới mối quan hệ, anh lần lượt thành lập ba công ty về phần mềm và giáo dục. Không nghĩ đến văn phòng đẹp hay mua ôtô để xây dựng hình ảnh, anh tận dụng tối đa nguồn lực đang có. Vượt bão Covid-19, đến nay, các công ty của anh đều đang phát triển. “Dù chưa giàu, nhưng tôi hoàn toàn tự do tài chính”, anh nói.
Năm 2019, công ty về phần mềm của anh cho lợi nhuận khoảng 4 tỷ đồng. Vợ chồng Hiếu và hai con tăng mức chi lên 20 triệu đồng mỗi tháng.
Cũng năm đó, anh bán vàng mua căn nhà đầu tiên. Ngôi nhà có gara ôtô và xây hiện đại, giá 6 tỷ đồng, không phải vay nợ. Lợi nhuận từ các công ty cũng giúp vợ chồng anh Hiếu mua thêm ba ngôi nhà nữa. Trong đó có hai ngôi nhà mặt đường, ngôi nhà lớn nhất 6 tầng, có 10 phòng, diện tích 60 m2.
Không còn áp lực tài chính, anh Hiếu dần thả lỏng, đầu tư hơn vào tận hưởng cuộc sống. Vợ chồng anh dành những ngày cuối tuần đi du lịch quanh Hà Nội, ăn tối trong nhà hàng. Hiếu chi hàng trăm triệu mua vàng để mẹ đeo, đưa bố mẹ đi khám ở bệnh viện tốt nhất. Anh mua điện thoại đời mới nhất cho vợ và laptop tốt nhất cho mình.
Anh Hiếu không còn đặt những chuyến bay vào sớm và đêm muộn, nhưng vẫn làm việc không ngừng nghỉ, giữ thói quen tiết kiệm và cân nhắc từng khoản chi tiêu. Đến giờ, anh vẫn đi chiếc xe máy mua từ năm 2009.
Anh Nguyễn Thanh Sơn, 36 tuổi, một người bạn cho rằng thói quen tiết kiệm của bạn mình do xuất phát điểm và hoàn cảnh sống. Lần nào đi chơi anh Hiếu cũng luôn kiểm tra rất kỹ các điểm, quán ăn và so sánh để chọn nơi ngon, bổ, rẻ.
“Nhờ tài tính toán của anh Hiếu mà hội chúng tôi có lần gần 20 người, đi chơi hai ngày, một đêm ở villa trên Sóc Sơn, lúc về chia nhau mất chưa đến 200 nghìn đồng mỗi người”, anh Sơn kể.
Khi anh Hiếu chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm và tích lũy mua nhà lên mạng xã hội, nhận nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng thu nhập cao mà sống khổ “như thời tiền sử” giống như anh từng trải qua là việc “điên rồ”.
Anh Hiếu cho rằng mỗi người có một lựa chọn sống phù hợp. “Tôi nghĩ sống khổ hay không là theo góc nhìn mỗi người. Riêng gia đình tôi thấy thoải mái với cuộc sống như vậy”, anh nói.
Chuyên gia tài chính Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành của công ty dịch vụ quản lý tài sản và tư vấn đầu tư FIDT cho rằng nếu gia tăng thu nhập là nguồn nguyên liệu cho sự phát triển tài sản thì tiết kiệm chính là ngòi nổ để kích hoạt. Từ cơ chế tiết kiệm hợp lý, thu nhập được dẫn động vào các kênh đầu tư khác nhau theo từng thời điểm để tối ưu việc gia tăng tài sản.
Anh Hiếu quan niệm con người chỉ khỏe trong khoảng 15-20 năm, sau 40 tuổi, sức khỏe không thể như trước nên cần tranh thủ đầu tư cho sự nghiệp, tăng thu nhập đồng thời sống tiết kiệm.
”Từ xưa các cụ đã nói ‘buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện’. Với nhiều người, chỉ cần bớt lướt mạng, mua đồ online không cần thiết, hạn chế ăn ngoài hay mua sắm đã có thể để ra đáng kể”, anh nói.
Phạm Nga