Mỹ đưa vào hoạt động đường hầm gió tốc độ Mach 10 (12.348 km/h) nhằm giải quyết các vấn đề trong thử nghiệm và nghiên cứu bay siêu thanh.
Đường hầm gió yên tĩnh Mach 10 của Đại học Notre Dame với kinh phí từ Hải quân Mỹ có thể mô phỏng bay siêu thanh ở tốc độ cao, hỗ trợ các nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực này. Cơ sở mới có thể kiểm tra các hệ thống siêu thanh mà không có nhiễu loạn, nhờ đó nhà nghiên cứu Thomas Corke, giáo sư ngành kỹ thuật kiêm giám đốc Sáng kiến hệ thống siêu thanh của trường đại học, Interesting Engineering hôm 14/11 đưa tin.
Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng các đường hầm gió để thử nghiệm trên mặt đất và kiểm nghiệm hệ thống mới thông qua mô phỏng bay siêu thanh ở tốc độ chóng mặt trong điều kiện khí quyển. Những thử nghiệm như vậy giúp tăng cường hiểu biết về khí động học, quản lý nhiệt và độ kiên cố của kết cấu. Tuy nhiên, do nhu cầu gia tăng, chính phủ Mỹ hy vọng đường hầm mới ở Notre Dame sẽ giúp giải quyết những vấn đề cấp thiết.
Ngoài đường hầm này, chỉ có hai đường hầm gió yên tĩnh khác ở Mỹ là đường hầm Mach 6 và Mach 8 đều ở Đại học Purdue. Cơ sở ở Notre Dame không chỉ tăng thêm công suất cho hệ sinh thái thử nghiệm siêu thanh mà còn cho phép kiểm tra ở tốc độ gần Mach 10, khi xảy ra những thay đổi cơ bản về mặt khí động.
Khả năng bay siêu thanh ở tốc độ từ Mach 8 trở nên giúp máy bay quân sự và cứu hộ tới nhiều điểm nóng trên thế giới nhanh chóng. Để đạt tốc độ đó, giới nghiên cứu cần cải thiện độ chính xác của dự đoán nhiệt độ và thiết kế hệ thống bảo vệ nhiệt hiệu quả. Đó là hai vấn đề mà cơ sở mới ở Notre Dame sẽ phụ trách.
Năm 2018, Đại học Notre Dame đồng phát triển một đường hầm gió Mach 6 cùng với Đại học Purdue. Nặng gần 5 tấn, đường hầm này tối ưu hóa sự kết hợp giữa độ ồn thấp và chi phí tối thiểu. Với đường kính lối thoát là 60 cm và chiều dài thử nghiệm là gần 1,8 mét.
An Khang (Theo Interesting Engineering)