5 sự thật về hôn nhân thường được nhận ra muộn

Chúng ta thường bước vào hôn nhân với kỳ vọng cao, nhưng thực tế, đó là một quá trình học hỏi suốt đời.

Chuyên gia tâm lý, tiến sĩ Mark Travers (Mỹ) cho biết nhiều người chỉ thực sự hiểu về hôn nhân sau khi đã trải qua mâu thuẫn, thất vọng, thậm chí ly hôn.

Theo chuyên gia, nếu bạn có thể chấp nhận 5 sự thật khó khăn về hôn nhân này ngay từ bây giờ, sẽ có nhiều khả năng xây dựng một mối quan hệ hạnh phúc và bền vững hơn.

Tình yêu chưa đủ để giữ vững một cuộc hôn nhân

Nhiều người tin chỉ cần yêu nhau, mọi thứ khác sẽ ổn thỏa. Nhưng tình yêu không thể tự động giải quyết những khác biệt về phong cách giao tiếp, giá trị cá nhân hay mục tiêu dài hạn.

Điều thực sự duy trì một cuộc hôn nhân là sự cam kết, nỗ lực và sẵn sàng thích nghi. Tình yêu có thể giữ cho ngọn lửa đam mê luôn cháy, nhưng chính những cách ứng xử hàng ngày mới là yếu tố quyết định.

Đó là, bạn phản ứng thế nào khi xảy ra mâu thuẫn? Bạn thể hiện sự quan tâm đến nhau ra sao? Hai bạn đang cùng nhau phát triển như thế nào? Những câu hỏi này mới thực sự quyết định sức mạnh của hôn nhân.

Các cặp vợ chồng sẽ tranh cãi rất nhiều

Một trong những hiểu lầm lớn nhất về hôn nhân là “vợ chồng hợp nhau thì không cãi vã”. Nhưng thực tế mâu thuẫn không thể tránh khỏi và cũng rất quan trọng với hôn nhân. Nếu một mối quan hệ không có mâu thuẫn, rất có thể những vấn đề quan trọng đang bị bỏ qua.

Điều làm tổn hại mối quan hệ không phải là việc tranh cãi, mà là cách các cặp giải quyết bất đồng. Xung đột lành mạnh có thể giúp các đôi gắn kết hơn khi mở ra những cuộc trò chuyện sâu sắc về mong muốn và nhu cầu, từ đó dẫn đến giải pháp tốt hơn.

Lời khuyên của tiến sĩ Travers là hãy học cách tranh luận công bằng, không đổ lỗi, không phớt lờ nhau và không tấn công cá nhân. Hãy tạo ra một không gian an toàn để cả hai có thể thành thật và cởi mở mà không sợ bị phán xét.

Bạn đời không thể đáp ứng tất cả nhu cầu

Nhiều người bước vào hôn nhân với kỳ vọng rằng vợ/chồng sẽ “là tất cả” của họ – người bạn thân nhất, người hỗ trợ tinh thần, cổ vũ và người giải quyết mọi vấn đề. Tuy nhiên, kỳ vọng đó không thực tế.

Những cặp có hôn nhân bền vững nhận thức được tầm quan trọng của việc duy trì bản sắc cá nhân. Họ giữ gìn sở thích riêng, có bạn bè thân thiết và theo đuổi mục tiêu cá nhân.

Một mối quan hệ bền vững được xây dựng dựa trên hai cá nhân độc lập nhưng bổ sung cho nhau, không phải hai nửa cố gắng hoàn thiện lẫn nhau.

Nếu không được chăm sóc liên tục, hôn nhân sẽ rạn nứt

Nhiều cặp đánh giá thấp nỗ lực cần thiết để duy trì một cuộc hôn nhân khỏe mạnh. Giai đoạn trăng mật đầy ngọt ngào, nhưng theo thời gian, những trách nhiệm như công việc, con cái, tài chính, sức khỏe có thể khiến mối quan hệ dần bị xem nhẹ.

Bạn cần có những buổi kiểm tra cảm xúc định kỳ và lên kế hoạch dành thời gian chất lượng bên nhau. Giống như một chiếc xe không thể chạy mãi mà không cần bảo dưỡng, một cuộc hôn nhân cũng không thể bền vững nếu không có sự chăm sóc thường xuyên.

Cả hai sẽ thay đổi theo thời gian

Bạn không thể mong đợi người bạn đời của mình ở tuổi 45 vẫn giống như tuổi 25. Con người sẽ phát triển, ưu tiên sẽ thay đổi và hoàn cảnh sống cũng biến chuyển theo thời gian.

Thay vì chống lại sự thay đổi, hãy đón nhận nó. Sự phát triển của người bạn đời là một điều đáng trân trọng và việc được chứng kiến quá trình đó là một đặc ân.

Bảo Nhiên (Theo CNBC)



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *