Những quy tắc sinh hoạt này nếu được xây dựng và duy trì thường xuyên bạn sẽ có không gian sống sạch sẽ, gọn gàng và tốn rất ít thời gian dọn dẹp.
Quy tắc “Một chạm”
Khi bước vào nhà bạn làm gì với áo khoác, chìa khóa, túi xách? Nếu đặt nó xuống chiếc ghế gần nhất hoặc bàn bếp với tâm lý “để lát xem lại sau”, bạn thuộc nhóm chưa gọn gàng. Cách làm này khiến bạn đang tạo thêm công việc cho chính mình.
Quy tắc người gọn gàng áp dụng là “một chạm”, tức là chỉ được chạm vào món đồ đó một lần.
Cụ thể, thay vì đặt áo khoác lên ghế rồi sau đó quay lại treo vào tủ hoặc treo lên giá treo áo, từ khi bước vào nhà, bạn sẽ đặt áo vào đúng vị trí ngay từ lần đầu tiên. Cũng như vậy, nếu bạn đang đọc một cuốn sách, đừng để nó trên bàn trà khi đọc xong, hãy đặt nó lại trên giá.
Quy tắc “một chạm” cần được kết hợp với quy tắc “đúng vị trí” – tức là mọi thứ đều có vị trí đúng của nó, giúp bạn dọn nhà gọn nhanh chóng.
Quy tắc “một chạm” là một thói quen nhỏ giúp ngăn ngừa tình trạng quá tải. Xử lý đồ đạc ngay lập tức giúp bạn tránh tạo ra thêm mớ hỗn độn khiến bạn phải xử lý sau này, khiến đây trở thành cách hiệu quả và khá dễ dàng để giữ cho ngôi nhà của bạn sạch sẽ, gọn gàng. Bạn cũng cần khuyến khích các thành viên trong gia đình xây dựng thói quen này hàng ngày.
Quy tắc “Ít mua sắm”
Một trong những cách hiệu quả nhất để giảm bớt công sức trong quá trình dọn nhà chính là giữ cho nhà ít đồ đạc. Đồ đạc tạo ra sự lộn xộn, bừa bộn. Nỗ lực cần thiết để dọn dẹp một chiếc kệ hoặc mặt bàn lộn xộn sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc dọn dẹp một chiếc kệ hoặc mặt bàn có rất ít hoặc không có đồ đạc.
Do đó, bằng cách sắp xếp hợp lý đồ đạc, tránh mua sắm theo cảm tính và áp dụng phong cách tối giản trong toàn bộ ngôi nhà, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy việc giữ gìn nhà cửa sạch sẽ dễ dàng đến thế nào.
Để dễ dàng giữ nhà cửa sạch sẽ hơn, nên thực hiện phương châm không tiếc rẻ khi dọn dẹp.
Loại bỏ những thứ chiếm dụng không gian, không còn giá trị, bị hỏng hoặc không còn chỗ để. Cần lưu ý, chỉ mua những thứ bạn thực sự cần. Hãy áp dụng phương châm “một vào, một ra” (mua thêm một thứ, loại bỏ một thứ) để tránh tình trạng đồ đạc chất đống trở lại.
Quy tắc “Luôn tuân thủ lịch trình”
Dọn dẹp nhà cửa không phải là một việc nhỏ. Với rất nhiều hoạt động trong ngày, bạn có thể rơi vào tình trạng mệt mỏi, kiệt sức, không muốn động tay vào việc gì khác.
Điều quan trọng là lập ra một lịch trình cố định để dọn nhà và luôn tuân thủ nó. Ví dụ, tối thứ 3 cọ bồn cầu, tối thứ 5 dọn dẹp bếp, tối thứ 7 hút bụi phòng ngủ. Bằng cách chia mọi việc bạn cần làm thành những hành động nhỏ hơn, dễ quản lý hơn và trải đều chúng trong suốt những ngày, tuần và tháng, bạn sẽ bớt choáng ngợp và có khả năng hoàn thành nhiệm vụ của mình tốt hơn.
Tuân thủ lịch trình dọn dẹp và nhờ các thành viên khác trong gia đình tham gia giúp đỡ các công việc, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy việc kiểm soát mọi thứ dễ dàng hơn, giúp giữ cho ngôi nhà của bạn sạch sẽ.
Quy tắc “Thiết bị thích hợp”
Một quy tắc khác giúp bạn giữ nhà cửa sạch sẽ hơn là luôn chọn các thiết bị/công cụ phù hợp để hoàn thành việc nhà.
Ví dụ, nếu bạn nuôi chó và nó bị rụng lông, bạn biết rằng việc giữ nhà sạch là rất khó. Hãy mua một máy hút bụi được đánh giá tốt cho vật nuôi và sử dụng hàng ngày để ngăn lông tích tụ. Không nên mua các sản phẩm được quảng cáo là tốt, hiệu quả nhưng không phù hợp với nhà bạn. Trong trường hợp nhà bạn là nhà tầng, có nhiều tủ, kệ cao, thay vì mua robot hút bụi, nên mua máy hút cầm tay để việc dọn dẹp hiệu quả.
Thùy Linh (Theo Simplycity)