26 năm đi đòi danh tính của chính mình

Trung QuốcBị người khác đánh cắp danh tính cá nhân nên 26 năm qua, mỗi ngày là một cuộc chiến của Đặng Văn Kiệt ở tỉnh Thiểm Tây, để được là chính mình.

Người gây ra bi kịch của Đặng Văn Kiệt là Vương Mưu Mưu, cũng quê ở Vị Nam. Từ năm 1999 đến 2015, Vương dùng căn cước mang tên Đặng để nhập học, xin việc làm công chức, kết hôn, mua ôtô, mở công ty, vay ngân hàng và thậm chí tham gia các vụ kiện tụng dân sự.

Theo điều tra, năm 1999, cha của Vương thuê người làm giả giấy tờ cho con trai. Khi đó, Trung Quốc vẫn sử dụng chứng minh thư giấy, không có chip và dữ liệu số hóa, nên việc làm giả khá dễ dàng. Vương chỉ cần dán ảnh của mình lên căn cước có thông tin cá nhân của Đặng là có thể sống dưới thân phận người khác.

Năm 2004, nước này bắt đầu sử dụng căn cước công dân dạng thẻ nhựa có gắn chip lưu trữ thông tin cá nhân và ảnh chân dung. Vương tiếp tục dùng thông tin mạo danh để thực hiện quét khuôn mặt, lấy vân tay, khẳng định mình chính là “Đặng Văn Kiệt” trong hệ thống.

Khi phát hiện sự việc vào năm 2012, Đặng và cha anh đã đến gặp gia đình Vương. Kẻ mạo danh thừa nhận hành vi và đồng ý trả lại giấy tờ.

Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó. Dữ liệu sinh trắc học và hồ sơ điện tử vẫn ghi nhận Vương là “Đặng Văn Kiệt”. Vì vậy, khi kiểm tra hồ sơ bảo hiểm y tế, Đặng phát hiện ảnh trên thẻ là người khác. Trong báo cáo tín dụng, có tới 8 thẻ mang tên Đặng Văn Kiệt, phần lớn quá hạn với tổng nợ hơn 800.000 tệ.

Đặng Văn Kiệt thật bị đưa vào danh sách “người không trung thực”, bị hạn chế chi tiêu, không thể vay tiền, không được đăng ký cho con đi học, mở tài khoản ngân hàng, thậm chí không sử dụng được bảo hiểm y tế.

“Tôi không thể xác minh khuôn mặt để dùng điện thoại, cũng không thể xử lý các thủ tục dân sự bình thường. Tất cả bị treo vì tôi không trùng khớp dữ liệu với chính mình,” Đặng Văn Kiệt nói.





Anh Kiệt bị người lạ đánh cắp danh tính suốt 16 năm. Ảnh: QQ

Anh Kiệt bị người lạ đánh cắp danh tính suốt 16 năm. Ảnh: QQ

Tháng 3/2025, tòa án huyện Phổ Thành tuyên Vương Mưu Mưu bốn tháng tù giam và phạt 10.000 tệ vì tội sử dụng giấy tờ tùy thân giả.

Tuy nhiên, Đặng Văn Kiệt cho biết anh không được thông báo hay mời tham dự phiên tòa. Anh cũng không có cơ hội nộp đơn kiện dân sự để đòi bồi thường thiệt hại.

Một bước ngoặt xảy ra khi Lý Tuấn, một nạn nhân khác của Vương, góp phần đưa vụ việc ra ánh sáng. Năm 2017, Lý ký hợp đồng cải tạo nội thất với người mang tên Đặng Văn Kiệt và bị lừa hơn 400.000 tệ.

Khi tra cứu thông tin, anh phát hiện có hai người trùng tên, trùng số căn cước. Từ đó, anh lần theo dấu vết và tìm được Kiệt thật. Những video Lý Tuấn đăng tải sau đó đã khiến vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận.

Dù đã được minh oan, Đặng Văn Kiệt vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn các quyền dân sự. Anh không thể xác minh khuôn mặt để đăng ký sim điện thoại, hồ sơ an sinh xã hội báo lỗi “trùng dữ liệu”. Mỗi thủ tục đều đòi hỏi giấy tờ xác minh phức tạp, khiến anh phải đi lại nhiều nơi trong khi sức khỏe ngày càng giảm sút.

“Tôi chỉ muốn sống đúng với tên mình, không muốn tiếp tục là ‘người đứng bên lề’ cuộc đời mình nữa,” anh nói.

Việc mạo danh từng không hiếm tại Trung Quốc, nhất là trước năm 2010, khi chứng minh thư còn là giấy, quản lý phân tán, dễ bị lợi dụng.

Đến nay, nhờ hệ thống căn cước gắn chip, sinh trắc học và dữ liệu liên thông, tình trạng mạo danh gần như không còn chỗ đứng.

Nhật Minh (theo QQ.news)





Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *